Quy Trình Chuyển Nhượng Căn Hộ Chung Cư (Cập nhật 2023)
Thủ tục, quy trình chuyển nhượng căn hộ chung cư là cơ sở pháp lý để chứng minh và chứng nhận chủ sở hữu căn hộ đó. Vì giá trị 1 căn hộ chung cư là rất lớn nên quy trình chuyển nhượng cũng khá phức tạp. Để đảm bảo an toàn khi mua bán nhà chung cư hiện nay, nhất định bạn đừng bỏ qua bài viết này của Intracom Harmony.
Các hình thức chuyển nhượng căn hộ chung cư hiện nay
Hình thức thứ nhất, chuyển nhượng căn hộ chung cư chưa có hợp đồng mua bán hoặc mới chỉ ký thỏa thuận đặt cọc. Đây là trường hợp ít gặp trên thị trường bất động sản. Hoặc nếu có thì sẽ là những nhà đầu tư lướt sóng.
Nếu mua loại căn hộ này người mua chỉ thanh toán không quá 30% giá trị chung cư, thường là vào 10 – 20% giá trị. Căn cứ vào chính sách và quy định của chủ đầu tư mà khách hàng có quyền được chuyển nhượng căn hộ đã mua được hay không.
Trường hợp chủ đầu tư có quy định cho phép sang nhượng khi căn hộ chưa có hợp đồng mua bán thì việc mua bán sang tên sẽ diễn ra bình thường. Việc mua bán này chỉ cần phía đại diện chủ đầu tư làm chứng và sang tên cho khách hàng theo thỏa thuận là được.
Với trường hợp chuyển nhượng căn hộ chung cư chưa có hợp đồng mua bán thì không cần công chứng giấy tờ. Nếu chủ đầu tư không cho phép thì người bán phải chờ đến lúc ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư xong mới được phép chuyển nhượng.
Hình thức thứ hai, chuyển nhượng căn hộ chung cư khi đã có hợp đồng mua bán, nhưng căn hộ chưa được cấp sổ hồng. Hình mua bán này là phổ biến nhất trên thị trường BĐS. Việc mua bán theo hình thức này sẽ chịu ảnh hưởng từ một bên thứ 3 đó là chủ đầu tư của dự án.
Nếu người bán muốn chuyển nhượng căn hộ của mình cần phải có giấy xác nhận chấp thuận chuyển nhượng của chủ đầu tư và các hóa đơn thuế GTGT của căn hộ. Khi người bán chưa hoàn tất các khoản tiền thanh toán với chủ đầu tư, các khoản nợ khác hoặc giải chấp ngân hàng thì việc mua bán sẽ không được phòng công chứng chấp thuận.
Hình thức thứ ba, chuyển nhượng căn hộ chung cư đã có sổ hồng. Trong trường hợp này việc mua bán, chuyển nhượng căn hộ sẽ không còn liên quan đến chủ đầu tư nhiều nữa. Vì bên mua và bên bán sẽ tiến hành thủ tục mua bán bình thường tại phòng công chứng giống như các loại hình nhà riêng hay đất đai…
Thủ tục, quy trình chuyển nhượng căn hộ chung cư
Quy trình chuyển nhượng căn hộ chung cư sẽ có sự khác biệt giữa căn hộ chưa có hợp đồng mua bán, căn hộ chưa có sổ và căn hộ chung cư đã có sổ. Trường hợp căn hộ chưa có hợp đồng mua bán, quy trình chuyển nhượng sẽ diễn ra như sau:
Bước 1, người mua và người bán sẽ thỏa thuận về giá cả để thuận mua vừa bán. Sau đó tiến hành làm hợp đồng đặt cọc hứa mua hứa bán với một khoản tiền nhất định. Tùy theo giá trị mua bán mà người bán có thể đưa ra mức đặt cọc khác nhau. Thông thường mức đặt cọc sẽ giao động từ 100 – 200 triệu đồng.
Bước 2, người bán làm đơn đề nghị chuyển nhượng căn hộ chung cư lên chủ đầu tư. Bên mua chuẩn bị hồ sơ sang tên như: sổ hộ khẩu, CMND, CCCD… theo yêu cầu của chủ đầu tư.
Bước 3, chủ đầu tư sẽ chuẩn bị hồ sơ đổi tên trên thỏa thuận đặt cọc trong vòng 7 đến 15 ngày. Sau đó sẽ tiến hành mời người mua và người bán lên làm thủ tục đổi tên. Hai bên sẽ ký xác nhận và có chủ đầu tư làm chứng. Người mua tiến hành thanh toán cho người bán, còn người bán có nghĩa vụ hoàn trả thỏa thuận đặt cọc và toàn bộ phiếu thu liên quan đến căn hộ cho chủ đầu tư.
Bước 4, hoàn tất thủ tục, chủ đầu tư hẹn người mua mới lên nhận lại thỏa thuận đặt cọc và phiếu thu mang tên mình.
Trường hợp căn hộ chung cư chưa có sổ thì, vẫn đang trong thời kỳ ký hợp đồng chuyển nhượng căn hộ chung cư thì quy trình chuyển nhượng sẽ diễn ra như sau:
Bước 1, soạn thảo văn bản chuyển nhượng căn hộ chung cư và hồ sơ công chứng. Văn bản chuyển nhượng gồm những nội dung liên quan đến giá cả, phương thức thanh toán, thời gian bàn giao… Hồ sơ để công chứng gồm: bản gốc văn bản chuyển nhượng, hợp đồng mua bán chung cư, biên bản bàn giao từ chủ đầu tư, giấy xác nhận hôn nhân, giấy CMND, CCCD, sổ hộ khẩu, giấy xác nhận căn hộ chưa có sổ hồng bản gốc.
Bước 2, nộp thuế của cá nhân. Hồ sơ chuẩn bị bao gồm: tờ kê khai thu nhập cá nhân theo mẫu, bản gốc văn bản chuyển nhượng, CMND của người bán. Sau đó, đến cụ thuế địa phương để nộp.
Bước 3, yêu cầu xác nhận từ chủ đầu tư đối với văn bản chuyển nhượng. Bộ hồ sơ đề nghị xác nhận gồm: 5 bản gốc văn bản chuyển nhượng của bên chuyển nhượng, bản gốc của hợp đồng mua, bản sao chứng thực CMND của bên bán.
Bước 4, hoàn tất thủ tục và nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ.
Trong trường hợp căn hộ chung cư đã có sổ thì thủ tục sang nhượng diễn ra như sau:
Bước 1, bên mua và bên bán tiến hành đăt cọc và hẹn ngày ra làm công chứng.
Bước 2, đến phòng công chứng để tiến hành làm công chứng. Trước đó bên mua và bên bán phải chuẩn bị bộ hồ sơ để chuyển nhượng theo quy định của pháp luật bao gồm: CMND, Sổ hộ khẩu, phiếu yêu cầu công chứng, hợp đồng công chứng, giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy chứng nhận độc thân.
Bước 3, đóng thuế. Người bán phải làm hồ sơ khai thuế và đóng thuế thu nhập cá nhân. Hồ sơ khai thuế, lệ phí bao gồm: tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo mẫu, bản chụp giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà, hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, các giấy tờ làm căn cứ xác định thuộc đối tượng được miễn thuế.
Đối với người mua cần nộp lệ phí trước bạ. Hồ sơ khai lệ phí trước bạ gồm: bản chính Tờ khai lệ phí trước bạ theo mẫu, giấy tờ chứng minh thuộc diện miễn lệ phí trước bạ, bản sao hợp lệ giấy tờ chứng minh nhà có nguồn gốc hợp pháp, bản sao hợp lệ giấy về việc chuyển giao tài sản ký kết giữa hai.
Bước 4, nộp hồ sơ sang tên. Hồ sơ cần chuẩn bị: đơn đăng ký biến động theo mẫu, bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp, hợp đồng mua bán đã được công chứng.
Trên đây là quy trình chuyển nhượng căn hộ chung cư. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với những ai đang quan tâm và có ý định chuyển nhượng căn hộ chung cư.
++ Tham khảo thêm về: Phí chuyển nhượng chung cư