Phí Bảo Trì Chung Cư Là Gì?
Trong các khoản phí phải trả khi ở chung cư, có một khoản phí tên là phí bảo trì chung cư. Vậy kinh phí bảo trì căn hộ chung cư là gì, được sử dụng vào những việc gì, số tiền phải đóng là bao nhiêu? Tìm kiếm ngay câu trả lời trong những thông tin dưới đây nhé!
Tìm hiểu về phí bảo trì chung cư
Khi ở nhà chung cư, các gia đình thường sẽ phải đóng các khoản phí như phí để xe, phí điện nước internet, phí dịch vụ, phí quản lý và phí bảo trì căn hộ chung cư…
Phí bảo trì chung cư là khoản phí được thu với mục đích sử dụng là bảo trì các hạng mục thuộc sở hữu chung của tòa nhà khi bị xuống cấp trong quá trình sử dụng bảo đảm quá trình sinh hoạt cho cư dân sinh sống được nhanh chóng và thuận tiện.
Phí bảo trì căn hộ chung cư do ai quản lý?
Chủ đầu tư tòa nhà chung cư và Ban quản lý tòa nhà sẽ quản lý phí bảo trì căn hộ chung cư. Theo điều 109 Luật Nhà ở 2014 thì trách nhiệm của mỗi bên được quy định chi tiết, cụ thể như sau:
Đối với chủ đầu tư:
Sau 07 ngày tính từ ngày thu kinh phí bảo trì căn hộ chung cư của người mua hay người thuê hoặc những diện tích khác trong nhà chung cư, chủ đầu tư phải có trách nhiệm gửi vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm mở tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để có thể dễ dàng quản lý kinh phí này.
Trong thời gian 07 ngày kể từ khi Ban quản lý tòa nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư có trách nhiệm phải chuyển giao kinh phí bảo trì chung cư (bao gồm cả lãi suất tiền gửi) cho Ban quản lý tòa nhà để thực hiện quản lý, sử dụng.
Đối với Ban quản lý nhà chung cư:
Ban quản lý tòa nhà chung cư có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí được chủ đầu tư bàn giao đúng mục đích, đúng những hạng mục bảo trì theo kế hoạch được Hội nghị nhà chung cư hàng năm thông qua.
Việc chi tiêu sử dụng kinh phí bảo trì phải có hóa đơn tài chính, có thanh quyết toán theo quy định của pháp luật về tài chính và phải có bản báo cáo trước Hội nghị nhà chung cư hàng năm.
Phí bảo trì được sử dụng chi tiết như thế nào?
Theo quy định ghi trong điều 34, Thông tư 02/2016/TT-BXD, kinh phí bảo trì nhà chung cư sẽ được sử dụng chi tiết như sau:
Bảo trì các hạng mục thuộc sở hữu chung bao gồm: tường bao ngôi nhà, các khung, cột, tường chịu lực, tường phân chia các căn hộ, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, sàn, mái, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hệ thống cấp điện, cấp ga, cấp nước, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cứu hỏa, bể phốt, thu lôi,… của tòa nhà chung cư.
Ngoài ra kinh phí bảo trì chung cư còn được sử dụng cho các hạng mục chung xung quanh tòa chung cư như sân chung, vườn hoa, công viên vui chơi….
Cách tính phí bảo trì nhà chung cư như thế nào?
Theo quy định ghi trong Điều 108 Luật Nhà ở năm 2014 phí bảo trì căn hộ chung cư thì các hộ gia đình trong tòa nhà phải nộp vào quỹ bảo trì nhà chung cư và bằng 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích khác.
Ví dụ, căn hộ bạn sở hữu khi mua có giá 1 tỷ đồng thì phí kinh phí bảo trì căn hộ chung cư gia đình bạn cần đóng là 1 tỷ x 2% tương đương với 20 triệu đồng. Nếu căn hộ bạn sở hữu khi mua có giá là 2 tỷ đồng thì khoản phí gia đình bạn cần phải đóng là 2 tỷ x 2% tương đương với 40 triệu đồng.
Riêng đối với diện tích chủ đầu tư không bán mà giữ lại thì chủ đầu tư phải nộp 2% giá trị của phần diện tích; phần giá trị này được tính dựa theo giá bán căn hộ cao nhất của tòa nhà chung cư đó.
Kinh phí bảo trì căn hộ chung cư đóng bao nhiêu lần?
Khoản kinh phí bảo trì căn hộ chung cư được quy định rõ trong hợp đồng mua bán đối với người mua và hợp đồng thuê nhà đối với người thuê. Và khoản kinh phí này người mua nhà chung cư hay người thuê căn hộ chung cư phải đóng ngay tại thời điểm nhận bàn giao cho chủ đầu tư, chủ cho thuê nhà chung cư.
Ngoài ra, người sinh sống trong căn hộ chung cư (bao gồm chủ sở hữu hay người thuê) có thể phải đóng thêm trong trường hợp nguồn kinh phí đã hết, cần bảo trì các hạng mục nhưng kinh phí bảo trì chung cư còn thiếu không đủ để chi trả cho công tác bảo dưỡng, tu bổ.
Tuy nhiên, thường thì rất hiếm khi xảy ra trường hợp thiếu kinh phí bảo trì căn hộ chung cư. Bởi vì khoản kinh phí bảo trì nhà chung cư đóng ban đầu không nhỏ, phí bảo trì không chỉ ở giá trị 2% mỗi căn hộ mà còn sinh lãi do được gửi tại ngân hàng.
Trên đây là một số nội dung liên quan đến những vấn đề về phí bảo trì chung cư. Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn giải đáp được các thắc mắc về khoản kinh phí bảo trì căn hộ chung cư, yên tâm hơn khi mua chung cư. Chúc bạn và gia đình sớm sở hữu được một căn chung cư có vị trị thuận lợi, tiện ích đa dạng, không gian thoáng đãng sạch sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của các thành viên trong gia đình nhé!