Logia Là Gì? Phân Biệt Logia Và Ban Công
Logia còn gọi nôm na là lô gia chắc hẳn không còn xa lạ gì với nhà người Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng phân biệt được rõ 2 loại hình có lối kiến trúc có nhiều nét tương đồng: logia và ban công. Bài viết dưới đây giúp bạn hiểu logia là gì và có điều gì khác biệt giữa lô gia và ban công. Dù bạn là một người làm trong mảng đầu tư xây dựng hay người có ý định mua nhà, thuê nhà, sửa nhà, xây nhà… đều cần nắm được.
Logia là gì?
Tiếng La tinh của Logia nguyên gốc là “loggia”. Tại Hy Lạp, logia xuất hiện lần đầu tiên năm 1400 TCN. Bên cạnh đó, ở Rome và Bologna, logia thường xuất hiện tại quảng trường chính với dạng mái vòm để giới thượng lưu đứng hóng gió, ngắm cảnh. Ở Anh, logia được ưa chuộng tại các tòa nhà gỗ và thường được gọi là Chester Rows.
Vậy lô gia chung cư là gì? Ở các căn hộ chung cư hiện đại, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp thịnh hành lối kiến trúc âm vào bên trong mặt bằng một diện tích hành lang hướng ra ngoài. Đó chính là logia. Logia sẽ được xây thụt vào và che chắn kỹ lưỡng bởi phần tường hai bên và phần trần phía trên, còn một mặt trống thì hướng ra phía ngoài. Nếu ban công tình yêu của “Romeo và Juliet” nhô ra ngoài căn nhà thoáng đãng thì logia lại âm vào trong, mang vẻ đẹp kín đáo, hạn chế ảnh hưởng bởi thời tiết.
2 dạng thiết kế chính của logia là gì? Thứ nhất, nếu logia phục vụ nhu cầu phơi phóng đồ đạc, để máy giặt, là “nhà kho” thu nhỏ thì thường sẽ gắn với phần bếp hoặc WC. Còn logia gắn với nhu cầu thư giãn, xả stress, giải trí… thì sẽ thiết kế cạnh phòng ngủ hoặc phòng khách, phòng sinh hoạt chung.
Ở các công trình tòa nhà cao tầng chung cư, để đảm bảo sự an toàn cho các cư dân, chủ đầu tư thường thiết kế logia từ tầng 6 trở đi thay vì ban công. Bởi logia kín đáo hơn ban công, an toàn hơn cho cư dân trong quá trình sử dụng. Đặc biệt, phần chân bên dưới của logia không được để hở mà bắt buộc phải cao ít nhất từ 1m2 trở lên.
Sự giống và khác nhau giữa lô gia (logia) và ban công chung cư là gì?
Logia và ban công có những điểm giống và khác nhau cơ bản như sau:
Giống nhau
Điểm giống logia và ban công là gì?
Logia và ban công đều là một hạng mục quan trọng trong thiết kế nhà ở cao tầng hướng tới hoàn thiện trải nghiệm cho người ở, phục vụ nhu cầu và sở thích của mọi người.
Đều có thể làm không gian thư giãn, giải trí. Chúng cũng làm tăng tính thẩm mỹ của công trình.
Đều có kết cấu chắc chắn, làm từ các nguyên liệu bền bỉ, chịu lực tốt.
Có cấu tạo gồm lan can để bảo vệ sự an toàn cho các thành viên trong gia đình.
Gỗ, thép, bê tông… là những nguyên liệu phổ biến được “trưng dụng” làm logia và ban công. Bởi các nguyên liệu này có sức chịu lực tốt.
Khác nhau
Logia và ban công tuy có nhiều điểm chung như trên nhưng bản chất khác nhau. Điểm khác nhau của lô gia và ban công là gì?
Logia là phần khoét sâu vào phần sàn của căn hộ. Ban công là gì? Ban công là phần thừa ra phía bên ngoài, xây vượt khỏi mặt bằng tòa nhà. Logia chắc chắn có 100% mái che phía trên (không những thế còn có phần 2 bên hông kín đáo che chắn). Còn ban công thì có thể có mái che hoặc không. Đứng ở logia nhìn được một hướng thẳng phía trước mặt. Còn đứng ở ban công thì có thể nhìn được 2 – 3 hướng khác nhau.
Logia xây được ở tất cả các loại hình nhà ở. Các tòa chung cư cao tầng phổ biến với lối xây logia để đảm bảo an toàn, không được xây ban công. Thế nhưng, ban công lại là hạng mục hot tại các biệt thực, shophouse, villa…
Kết cấu mặt sàn của lô gia không khác gì mặt sàn nhà thông thường. Thế nhưng, ban công lại thiết kế theo dạng console.
Logia có kích thước ở khoảng từ 2 – 2,4 m, mang lại cảm giác như đứng ở một căn phòng nhỏ, còn kích thước ban công chỉ rơi vào khoản 1 – 1,5m.
Một số quy định về thiết kế logia
Logia có những tiêu chuẩn đặc thù khi thiết kế, đặc biệt là ở các chung cư bởi nó quyết định tới sự an toàn của chung cư.
Các quy định về logia được nêu rõ tại TCXDVN 323:2004. Theo đó, các tầng căn hộ từ tầng 6 trở lên phải được thiết kế logia thay vì ban công.
Ngoài ra, chân lan can của lô gia phải được thiết kế chính, không được để hở nhằm đảm bảo an toàn. Lan can logia phải cao từ 1m2 trở lên.
Để đảm bảo tính chịu lực bền chắc thì sàn logia cần được thiết kế giống như sàn căn hộ, ưu tiên các chất liệu như sàn gỗ, bê tông cốt thép, tạo sàn mái phẳng.
Không được phép dùng kính khi thiết kế lô gia.
Đối với các căn hộ có trẻ dưới 5 tuổi ở thì phải thiết kế lan can sao cho không có lỗ hổng, tránh trẻ chui qua.
Trên đây là những thông tin về logia là gì và những đặc điểm khác biệt của logia so với ban công trong thiết kế các công trình xây dựng nhà ở. Bạn nên nắm vững những thông tin này để thuận lợi chủ động thiết kế nhà, cũng như chọn được những căn hộ chung cư đảm bảo tiêu chuẩn logia mang tới sự an toàn trong quá trình sinh sống.